Chữa cảm sốt với cây thục quỳ

Cây thục qùy có nguồn gốc từ nước ngoài, được du nhập và trồng làm cảnh vào dịp Tết nguyên đán ở nước ta vì có hoa rất đẹp. Là loại cây sống lưu niên, thân thẳng, có lông cao 2 - 3m.

Lá thục qùy mọc so le, dạng tim, chia thùy, rộng tới 30cm. Hoa có cuống ngắn, ở ngọn thân, to, màu trắng, hồng, đỏ, thường xếp từng đôi. Quả nằm trong đài, các phần quả không mở. Mùa ra hoa hoa tháng 7 - 9. Tuy nhiên, hiện nay cây đã được lai tạo nên cây lùn, hoa ra từ mùa đông - xuân có màu sắc khác nhau từ màu trắng đến đỏ đậm, cánh hoa đơn hay kép. Toàn cây từ hoa, rễ, lá đến hạt đều có tác dụng làm thuốc.

Cây thục quỳ

Để làm thuốc, thu hái hoa vào cuối vụ khi hoa đã nở to, phơi khô trong râm. Hạt thu hái vào mùa hè, phơi khô. Rễ thu hái vào mùa thu - đông, rửa sạch, phơi khô.

Theo y học cổ truyền, hoa có vị ngọt, mặn, tính hàn; có tác dụng lợi niệu nhuận táo, hoạt huyết điều kinh, tán ung thũng, giải độc. Hạt có vị ngọt, tính hàn; có tác dụng lợi niệu thông lãm, thông đại tiện; còn có tác dụng hạ nhiệt. Rễ có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, thu liễm chỉ lỵ, lợi niệu.

Một số bài thuốc thường dùng

Bài 1: Chữa táo bón do nóng trong, ít vận động: Hạt thục qùy 12g, rửa sạch, cho vào ấm đổ 500ml sắc còn 300ml, chia 3 lần uống trong ngày. 5 ngày một liệu trình kết hợp với vận động, ăn thức ăn thanh mát dễ tiêu hóa.

Bài 2: Chữa viêm họng sưng đau: Rễ thục qùy 12g hãm thay trà ngậm nuốt dần dần, uống trong ngày khi thuốc còn ấm.

Nếu hắt hơi, sổ mũi, đau nhức xương khớp có thể dùng bài thuốc sau: Lá thục quỳ 20g, hoa cao ích mẫu 20g, hạt lanh 40g. Tất cả rửa sạch đổ 500ml nước, sắc còn 250ml, chia 3 lần uống trong ngày có thể thêm chút mật ong cho dễ uống, uống thuốc lúc còn nóng.

Bài 3: Chữa kinh nguyệt không đều: Rễ thục qùy 12g, cho vào ấm đổ 6 bát nước, sắc nhỏ lửa còn 3 bát, chia 3 lần uống trong ngày. Uống trước chu kỳ kinh nguyệt 15 ngày. Dùng liền 7 ngày.

Bài 4: Tiểu tiện sẻn đỏ do nóng: Hạt thục qùy 5g; râu ngô, rễ cỏ tranh, bông mã đề, mỗi vị 10g. Tất cả rửa sạch cho vào ấm đổ ngập vị thuốc sắc nhỏ lửa, uống trong ngày. 5 ngày một liệu trình.

Bài 5: Chữa cảm sốt: Hạt thục qùy 12g, bưởi bung 20g, đổ 6 bát nước, sắc còn 3 bát, chia 3 lần uống lúc còn nóng. Uống liền 3 ngày.

Bài 6: Chữa bỏng lửa, vết thương nông, hẹp: Lá thục qùy một nắm, rửa sạch để ráo nước giã nát đắp vào vết thương, 2 giờ thay băng một lần. Ngày 2 lần.

Để bài thuốc hiệu quả khi áp dụng cần được các nhà chuyên môn bắt mạch kê đơn.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tú


Hạt dành dành làm thuốc

Hạt dành dành, Đông y thường gọi là sơn chi tử. Là loại cây nhỏ, thân cao khoảng từ 2 - 3m. Lá mọc đối, hình tròn bầu dục xanh bóng. Mùa hè hoa nở trắng có 6 cánh đều, uốn cong, mùi thơm. Lúc hoa sắp tàn biến màu vàng nhạt, vào mùa thu thì kết quả sắc vàng, hình tròn dài bầu dục, có 6 - 9 góc cạnh. Quả được thu hái vào tháng 7 - 9, lúc chín già, ngắt bỏ cuống, phơi hay sấy nhẹ đến khô. Cây thường gặp ở miền núi chỗ ẩm mát và có bóng râm như ven suối, bờ hồ lớn.

Hoa dành dành.

Một số bài thuốc thường dùng theo kinh nghiệm:

Bài 1: Chữa trị cảm sốt: Hạt dành dành 14g, hương sị 4g. Tất cả cho vào ấm, đổ 500ml nước, sắc còn 150ml, ngày 1 thang, uống lúc còn ấm. Dùng liền 3 ngày.

Bài 2: Chữa trướng bụng đầy hơi (ăn thức lạ, nhiều mỡ): Hạt dành dành 20g sao nghiền nhỏ, uống với rượu.

Bài 3: Chữa sưng đau bầm tím do ngã (vết thương liền): Hạt dành dành, bạch biển lượng bằng nhau khoảng 20g cùng giã đắp vào vết thương. Ngày thay băng một lần, mỗi lần 2 giờ, đắp liền 5 ngày.

Hạt dành dành.

Bài 4: Trị bụng trướng, da vàng thể thấp nhiệt: Hạt dành dành 20g, nhân trần 24g, đại hoàng 12g. Tất cả cho ấm đổ 700ml nước sắc nhỏ lửa còn 300ml, chia 3 lần uống trong ngày, xa bữa ăn. Mỗi liệu trình 10 ngày.

Bài 5: Chữa tiểu buốt, tiểu rắt: Hạt dành dành, mộc thông, hạt mã đề, cù mạch, biển súc, hoạt thạch mỗi vị 12g; đại hoàng 8g; cam thảo nướng 6g. Cho tất cả vào ấm, sắc với 800 ml nước còn 250 ml, uống làm hai lần trong ngày. Mỗi liệu 10 ngày.

Bài 6: Chữa cảm lạnh: Hạt dành dành (sao vàng), trần bì, tinh tre mỗi thứ 10g; gừng sống 5g. Cho 700ml nước, nhỏ lửa, sắc còn 200ml, chia 2 lần, uống trong ngày, lúc còn ấm nóng. Dùng liền 5 ngày.

Bài 7: Chữa lở miệng do nhiệt: Hạt dành dành 12g, nhân trần 16g, đại hoàng 8g. Tất cả thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày. Mỗi liệu trình 10 ngày.

Bác sĩ Nguyễn Thúy Anh

5 lợi ích sức khỏe và dinh dưỡng của hạt hướng dương

1. Hạt hướng dương thúc đẩy sức khỏe tim mạch

Hạt hướng dương chứa hai chất dinh dưỡng tăng cường sức khỏe tim mạch là vitamin E và folate.

1/4 cốc hạt hướng dương chứa hơn 60% lượng vitamin E cần thiết cho cơ thể mỗi ngày. Vitamin thiết yếu này có chức năng chống oxy hóa quan trọng và nồng độ cân bằng vitamin E giúp giảm thấp nguy cơ tử vong sớm do các bệnh tim mạch. Vitamin E cũng giúp trung hòa các gốc tự do để bảo vệ màng tế bào não và chống lại viêm và sưng.

Ngoài ra, folate đã được chứng minh có tác dụng tăng cường sức khỏe tim mạch từ giai đoạn sơ sinh cho đến khi về già. Folate giúp chuyển hóa homocysteine, một chất chỉ điểm rối loạn tim mạch, thành methionine, một acid amin thiết yếu. Folate và axit béo thiết yếu tự nhiên có trong hạt hướng dương và tốt cho sức khỏe tim mạch.

2. Phytosterol tăng cường nồng độ cholesterol khỏe mạnh

Hạt hướng dương chứa nồng độ cao phytosterol. Các phytosterol có tính chất vật lý tương tự như cholesterol; nghiên cứu đã chỉ ra phytosterol có thể hỗ trợ mức cholesterol khỏe mạnh.

3. Hạt hướng dương - nguồn cung magiê (Magnesium)

Thiếu hụt magiê có thể dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch, thần kinh và miễn dịch. Các hệ cơ bắp và xương cũng cần magiê để duy trì chức năng hoạt động. Từ lâu y học đã sử dụng magiê để thúc đẩy chức năng hô hấp, sức khỏe tim mạch và giảm căng thẳng. 1/4 cốc hạt hướng dương cung cấp hơn 25% nhu cầu magiê hàng ngày cơ thể cần theo khuyến cáo.

4. Hạt hướng dương mang lại tâm trạng khỏe mạnh

Magiê có nhiều trong hạt hướng dương giúp tâm trạng khỏe khoắn. Hơn một trăm năm trước đây, magnesium sulfate đã được dùng cho các bệnh nhân trầm cảm. Ngày nay, magiê đóng một vai trò thiết yếu trong liệu pháp vi lượng cho sức khỏe tâm thần.

5. Selen: chất chống oxy hóa mạnh mẽ và tuyệt vời cho sức khỏe tuyến giáp

Hạt hướng dương chứa nhiều selen, một chất dinh dưỡng thiết yếu cho chơ thể. Các nghiên cứu cho thấy selen có chức năng chống oxy hóa và giúp giảm viêm và sưng tấy trong cơ thể. Gần đây, nghiên cứu cũng đã xác định vai trò quan trọng của selen trong quá trình chuyển hóa hoóc môn tuyến giáp. Selen cũng được ghi nhận với khả năng giúp sửa chữa DNA trong các tế bào bị hư hỏng.

Cách tốt nhất để ăn hạt hướng dương

Hạt hướng dương là một món ăn tuyệt vời, nhưng điều quan trọng là để giữ cho nó được nguyên vẹn các chất dinh dưỡng. Hạt hướng dương có thể được rang và thêm vào các gia vị thơm ngon.

Nên chọn và dùng hạt hướng dương hữu cơ. Hạt hướng dương là một món ăn tuyệt vời, có thể có mặt trong món salad, và hãy thử món bơ hướng dương, tương tự như bơ đậu phộng.

TS.BS. Lê Thanh Hải

(tham khảo Global Healing Center)

Lợi sữa cho sản phụ sau sinh với rau mùi

Rau mùi tươi được dùng để làm gia vị quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày. Là loại rau dùng để nêm và trang trí trên các món ăn cho đẹp vì màu xanh tươi và mùi thơm của lá, bên cạnh đó rau mùi còn là một vị thuốc.

Rau mùi hay còn được gọi là ngò ta hay ngò rí, thuộc họ hoa tán. Là loại cây thảo nhỏ mọc hằng năm, cao 20 - 60cm hay hơn, nhẵn, thân mảnh, lá bóng màu lục tươi; các lá ở dưới chia thành phiến hình trái xoan, có răng; các lá ở trên chia thành tua rất nhiều. Cụm hoa tán kép. Hoa màu trắng, ít khi màu hồng. Quả hình cầu màu vàng sậm.

Rau mùi có tác dụng kích thích tiêu hóa, chữa cảm cúm...

Theo y học cổ truyền, rau mùi có vị cay, tính ấm. Lá rau mùi có tác dụng kích thích tiêu hóa và làm thuốc bổ, chống đầy hơi, làm mạnh dạ dày, làm gia tăng sự bài tiết nước tiểu và làm hạ sốt. Trong rau mùi (lá và hạt) chứa tinh dầu có tác dụng gây hưng phấn tình dục, được dùng hỗ trợ điều trị trong các trường hợp suy yếu sinh lý. Ngoài ra, rau mùi còn có tác dụng long đờm, chữa cảm cúm, cảm lạnh, nhức đầu, sổ mũi, ngạt mũi. Uống nước ép từ rau mùi còn giúp bổ sung cho cơ thể các vitamin như A, C, B1, B2 và chất sắt.

Rau mùi cũng được trồng ở khắp nơi để làm gia vị và làm thuốc. Người ta thu hái toàn cây vào mùa Xuân và Hè, dùng tươi hay phơi khô.

Một số bài thuốc thường dùng

Bài 1: Chữa đau bụng do rối loạn tiêu hóa: Rau mùi 8g, đinh hương 4g, quất bì 4g, hoàng liên 4g. tất cả rửa sạch cho 500ml nước sắc còn 300ml, chia 2 lần uống trong ngày. Uống lúc còn ấm, dùng liền 3 ngày.

Bài 2: Chữa ăn không tiêu, đầy bụng, ậm ạch: Rau mùi rửa sạch, giã nát thêm chút nước lấy nước cốt uống 2 - 3 thìa rất cùng hiệu quả.

Bài 3: Lợi tiểu, giúp hạ cholesterol trong máu: Lấy 12g hạt rau mùi khô ngâm trong nước sôi, lọc, để nguội và uống nhiều lần trong ngày. 15 ngày 1 liệu trình.

Bài 4: Chữa rong kinh: Hạt rau mùi khô 6g, rửa sạch cho 600ml nước, sắc còn 300ml thêm chút đường cho dễ uống, chia 3 lần uống trong ngày, uống lúc còn nóng. Dùng 3 - 5 ngày.

Bài 5: Lợi sữa cho sản phụ sau sinh: Quả mùi già 6g, nước 100ml, đun sôi 15 phút chia 2 lần uống trong ngày. Dùng liền 3 ngày.

Bài 6: Làm đẹp da, trị mụn: Giã nát rau mùi lấy nước cốt khoảng 1 thìa cà phê trộn 1 chút bột nghệ, rửa mặt thật sạch rồi bôi hỗn hợp này lên mặt mỗi tối trước khi đi ngủ hoặc thường xuyên lấy quả mùi sắc nước rửa. Bài thuốc này tốt cho những người có da khô, da mặt có mụn sẽ giúp da mặt hồng hào, giảm mụn.

Lương y Hữu Nam

Bắp cải

Bắp cải vốn được biết đến là một loại thực phẩm rất quen thuộc trong mùa đông, có thể chế biến được rất nhiều món ăn: ăn sống, làm gỏi, nấu canh, xào... Ngoài giá trị dinh dưỡng, ít ai biết rằng, bắp cải lại có khá nhiều công dụng chữa bệnh. Người châu u coi bắp cải là cây thuốc của người nghèo.

​Nước ép bắp cải tốt cho người suy nhược thần kinh.

Bắp cải chứa hơn 90% nước, 1,8% protid, 5,4% glucid, 1,6% xenluloza (chất xơ), 31mg% phốtpho, 4,8mg% canxi,1,1mg% sắt; lượng vitamin chỉ thua cà chua, gấp 4 - 5 lần cà rốt, 3 - 4 lần khoai tây, hành tây; 100g cải bắp cung cấp 50 calo. Theo Đông y, cải bắp có vị ngọt tính mát, có tác dụng bổ dưỡng, an thần, hoạt huyết. Bắp cải được dùng trị các chứng bệnh sau:

Suy nhược thần kinh, thần kinh căng thẳng, hoại huyết mạn tính, mất ngủ, trầm uất: Uống nước luộc bắp cải thường xuyên.

Viêm loét dạ dày, ruột: Dùng nước ép bắp cải 1 phần, đường 1 phần, sữa 1 phần, uống ngày 1 lít, chia 4 - 5 lần trong ngày, suốt 2 tháng liền. Tốt nhất là làm ngày nào uống ngày đó hoặc làm nhiều thì có thể để trong tủ lạnh được 2 ngày. Nước ép bắp cải giúp làm lành vết loét dạ dày ruột nhanh chóng.

Giảm đau nhức do thấp khớp, thống phong, đau dây thần kinh tọa: ép bắp cải lấy nước uống, bã đắp vào chỗ đau nhức. Hoặc lấy lá bắp cải cán dập gân lá, hơ nóng đắp vào chỗ đau. Mỗi chỗ đau dán 3 - 4 lá bắp cải. Bên ngoài lấy vải dày áp lên rồi buộc lại.

Hoạt huyết, chữa kiết lỵ ra máu, nhiều giun ký sinh đường tiêu hóa, nhiễm xạ tia X, máy tính, lò vi sóng, điện cao thế: Nên ăn cải bắp thường xuyên.

Mụn nhọt, vết thương sắp lên da non, viêm họng, khản tiếng: Hơ nóng lá bắp cải đắp hay giã lá tươi đắp.

Nhiễm khuẩn đầu da móng tay, nấm âm đạo: Rửa bằng nước ép bắp cải.

Phòng trị đái tháo đường: bắp cải có tác dụng làm giảm quá trình đồng hóa glucid và giảm đường huyết. Dùng hằng ngày giúp phòng trị đái tháo đường týp 2.

Lương y Minh Chánh




Hạt nho có lợi ích như thế nào với sức khỏe?

Nho là một trong những loại trái cây phổ biến nhất. Nho chứa nhiều chất chống oxy hóa và cũng chứa thành phần thực vật tự nhiên được gọi là Oligomeric Proanthocyanidin Complexes (OPCs).. Chúng được biết đến là nhờ hoạt tính chống oxy hóa giúp loại bỏ gốc tự do ra khỏi cơ thể. Chúng cũng hỗ trợ phòng ngừa lão hóa sớm cũng như các bệnh mạn tính.

OPCs trong nho rất đa dạng và có nhiều lợi ích sức khỏe, có lợi cho tất cả các bộ phận của cơ thể. Lợi ích sức khỏe của hạt nho cũng như vậy.

Thành phần OPCs trong hạt nho đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa ung thư. Theo các nghiên cứu, người ta thấy rằng chiết xuất hạt nho giúp phòng ngừa sự tăng trưởng của các tế bào ung thư vú, phổi, tuyến tiền liệt và đại tràng.

Dưới đây là những lợi ích sức khác của hạt nho:

Ngăn ngừa huyết áp cao

Hạt nho chứa flavonoid, acid linoleic và procyanidin phenolic giúp bảo vệ các mạch máu khỏi bị tổn thương và do đó ngăn ngừa huyết áp cao.

Suy tĩnh mạch mãn tính

Các OPCs trong hạt nho sẽ làm giảm bớt các triệu chứng của suy tĩnh mạch mạn tính. Nó giúp giảm đáng kể cảm giác nặng nề, đau và ngứa.

Tăng cường sức mạnh xương

Hạt nho có lợi ích sức khỏe tích cực lên xương. Nó giúp cải thiện sự hình thành và sức mạnh của xương.

Giảm sưng

Chiết xuất hạt nho giúp chữa lành sưng chân. Sưng, còn được gọi là phù nề, khá phổ biến sau phẫu thuật ung thư vú và chiết xuất hạt nho có thể khắc phục được tình trạng này.

Cải thiện tình trạng suy giảm nhận thức

Chiết xuất hạt nho cũng giúp khắc phục rối loạn chức năng vùng đồi thị trong não. Điều này là nhờ nó làm giảm stress oxy hóa và duy trì chức năng của ty lạp thể.

Tăng cường sức khỏe miệng

Theo một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chiết xuất hạt nho thúc đẩy sự tái khoáng hóa sâu răng, giúp khắc phục sâu răng sớm và đóng vai trò tích cực trong việc duy trì sức khỏe xương.

Bệnh tiểu đường

Nho cũng được sử dụng để kiểm soát bệnh tiểu đường. Chiết xuất hạt nho cùng với tập luyện thích hợp giúp cải thiện lipid, giảm cân, huyết áp và bệnh tiểu đường

BS Thu Vân

(Theo Univadis/ Boldsky)

Hạt lựu

Nghiên cứu cho thấy rằng hạt lựu có thể giúp ngăn ngừa hoặc điều trị các yếu tố nguy cơ bệnh khác nhau, bao gồm huyết áp cao, cholesterol cao, stress oxy hóa, tăng đường huyết và viêm. Bạn vẫn cần một lý do để thử hạt lựu? Nước lựu (làm từ hạt lựu) đã được chứng minh là có hoạt động chống oxy hóa cao hơn so với rượu vang đỏ và trà xanh gấp ba lần.

7 lợi ích của hạt lựu đối với sức khỏe

1. Hạt lựu - chất kích thích tình dục tự nhiên

Trong nhiều nền văn hóa, lựu đã được kết hợp với khả năng sinh sản. Một nghiên cứu của Đại học Queen Margaret ở Edinburgh thấy rằng tiêu thụ nước ép quả lựu nguyên chất tăng đáng kể nồng độ testosterone, thêm vào các hiệu ứng tích cực đối với huyết áp và tâm trạng. Testosterone cao có thể dẫn đến tâm trạng cao và tăng ham muốn tình dục. Những lo ngại về rối loạn chức năng cương dương? Nước lựu đã được chứng minh là mang lại lợi ích trong việc tăng lưu lượng máu và phản ứng cương dương trong các nghiên cứu động vật, như vậy lợi ích của quả lựu như một phương thuốc tự nhiên cho bất lực sớm có thể được tìm thấy cho con người với nhiều hy họng khả quan.

hat luu, 7 loi ich suc khoe khong ngo cua hat luu

2. Hạt lựu giúp giảm viêm khớp và đau khớp

Lựu dùng cho phương pháp điều trị bệnh viêm khớp tự nhiên, do có một nguồn chất chống oxy hóa gọi là flavonols, tác dụng như chất chống viêm trong cơ thể. Nếu bạn đã dùng thuốc cho bệnh viêm khớp, hỏi bác sĩ của bạn trước khi thêm sản phẩm lựu trong thói quen hàng ngày của bạn.

3. Hạt lựu phòng chống ung thư

Khi nói đến ung thư, nghiên cứu cho thấy rằng hạt lựu là một loại thực phẩm chống ung thư mạnh. Lựu cho thấy tác dụng chống khối u đối với các loại khác nhau của các tế bào ung thư.

Nhiều nghiên cứu cho thấy các chất chiết xuất từ ​​quả lựu ức chế sự tăng sinh của các tế bào ung thư vú. Dầu hạt lựu có chứa axit punicic, một axit béo không bão hòa omega-5 đã được chứng minh để ức chế sự phát triển ung thư vú.

4. Hạt lựu hạ huyết áp

Nước ép hạt lựu có chứa các loại khác nhau của các chất chống oxy hóa và polyphenol hoạt tính sinh học, đã được báo cáo để thúc đẩy sức khỏe tim mạch, bao gồm cả hỗ trợ cho mức huyết áp khỏe mạnh.

5. Hạt lựu chống nhiễm khuẩn

Lựu chứa hàng trăm các hợp chất hoạt tính sinh học khác nhau, bao gồm axit ellagic, ellagitannins, axit punicic, flavonoid, anthocyanidins, anthocyanins, flavonol estrogen và flavon. Chiết xuất từ ​​quả lựu đã được sử dụng từ thời cổ đại để điều trị một số bệnh lý, bao gồm cả ký sinh trùng và vi khuẩn, tiêu chảy, loét, viêm miệng áp tơ, xuất huyết và biến chứng hô hấp.

6. Hạt lựu cải thiện sức khỏe tim

Các nước được làm từ hạt lựu có chứa chất chống oxy hóa ở mức cao hơn so với nhiều loại nước ép trái cây khác, và nước ép quả lựu có thể ngăn chặn hoặc làm chậm sự tích tụ cholesterol trong lòng động mạch của những người có nguy cơ cao mắc bệnh tim. Nghiên cứu cho thấy rằng tiêu thụ nước ép quả lựu giảm mảng bám trong động mạch cảnh cũng như giảm huyết áp.

7. Hạt lựu cải thiện trí nhớ

Các nghiên cứu đã báo cáo bộ nhớ và lợi ích nhận thức khác của polyphenol, mà được tìm thấy nhiều trong hạt lựu và nước ép của chúng. Có một xu hướng rõ ràng cải thiện trí nhớ sau giải phẫu trong nhóm nghiên cứu dùng nước ép hạt lựu, với tác dụng bảo vệ đặc biệt mạnh mẽ và lâu dài trong lĩnh vực duy trì bộ nhớ. Ngoài ra, các nghiên cứu động vật được thực hiện bởi Khoa Tâm lý học tại Đại học Loma Linda đã chỉ ra những lợi ích bảo vệ thần kinh của lựu và rằng kết hợp lựu vào chế độ ăn uống của bạn có thể giúp trì hoãn sự khởi phát hoặc tiến triển chậm của bệnh Alzheimer.

TS.BS. Lê Thanh Hải

(tham khảo Draxe.com)

Cây thuốc bỏng nhiều công dụng quý

Cây thuốc này quen thuộc với mọi người nhưng có những công dụng không ngờ tới.

Cây thuốc bỏng còn có các tên trường sinh, thổ tam thất, diệp sinh căn, lạc địa sinh căn (rơi xuống đất sinh rễ). Tên khoa học Kalanchoe pinnata (Lam) Pers (Bryophyllium calycinum Salisb). Họ cây thuốc bỏng (Crassulaceae). Có tên “thuốc bỏng” vì cây được dùng phổ biến nhất làm thuốc đắp chữa bỏng. Tên trường sinh và có nơi dùng tên sống đời, có lẽ vì có đặc điểm mép lá ra rễ thành cây khác ngay khi lá còn trên cây hoặc rơi xuống đất, xuống nước, nơi tường ẩm, tiếp tục sống mãi không ngừng. Cây mọc khắp nơi trên đất nước ta để làm cảnh và làm thuốc. Cây còn sống ở Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á.

Thành phần hóa học có 3 nhóm hoạt chất:

- Các acid hữu cơ như: malic, citic, succinic, fumaric, pyruvic, axala acetic, oxalic, lactic…

- Các glycozit flavonoic như: glycozit A, glycozit B và quexetin glycozit C là kampfearol 3 -glycozit.

- Các hợp chất phenolic gồm: acid p.cumaric, syringic, cafeic, phydroxybenzoic.

Công dụng: cây thuốc bỏng thể hiện rõ tính chất tiêu viêm, kháng khuẩn. Được dùng cho các trường hợp viêm nhiễm ở trong hoặc ngoài cơ thể.

Cây thuốc bỏng đã được dùng trong các trường hợp sau:

Tai nạn đứt da chảy máu, dập nát, bầm huyết, bỏng lửa, rắn rết cắn: giã nhuyễn lá để đắp buộc lên vết thương.

Trĩ (nội, ngoại) dịch lá sống đời uống vào sáng và tối, mỗi lần 60ml (20 - 25 lá).

Chốc lở sài đầu, mụn nhọt lở ghẻ ở trẻ em: trong uống dịch lá bỏng, sáng tối, mỗi lần 20 - 25ml. Ngoài đắp rửa bằng nước lá bỏng giã nhuyễn.

Mụn trứng cá: trong uống, ngoài đắp rửa.

Các bệnh phong ngứa dị ứng (lở sơn, mề đay, chàm): trong uống, ngoài xoa đắp rửa.

Viêm họng khô rát ngứa: nhai ngậm lá bỏng

Cúm, sổ viêm mũi xoang: vò lá bỏng nhét vào lỗ mũi, nhỏ dịch lá bỏng.

Sốt xuất huyết: ngày đầu mỗi ngày uống 3 - 4 lần 100ml. Ngày sau 2 lần. Mỗi lần 60ml cho đến khi khỏi.

Viêm nhiễm đường hô hấp, ho, ho lao, ho ra máu: uống thường xuyên sáng tối. Mỗi lần 60 - 80ml dịch lá bỏng. Trẻ em ho gà 20 - 25ml (6 - 8 lá).

Xơ gan cổ trướng và các loại viêm gan: uống ngày 3 lần, mỗi lần 100ml liên tục. Dùng lá trong bóng râm có nhiều vị chua.

Viêm loét dạ dày chảy máu: không chảy máu uống 60ml vào sáng tối, có chảy máu các ngày đầu 3 - 4 lần với liều 100ml (khoảng 35 lá) cho cầm, sau đó ngày 2 lần, mỗi lần 60ml.

Phù thận (và các loại phù thũng) uống ngày 2 lần dịch lá bỏng, mỗi lần 60ml.

Mồ hôi trộm: cho trẻ uống ngày 2 lần, mỗi lần 60ml.

Táo bón: ngày 2 lần, mỗi lần 60ml.

Mất ngủ (người lớn, trẻ em): người lớn nhai ngậm nuốt hoặc trẻ em uống dịch lá bỏng đều ngủ ngon giấc.

Sốt nóng trẻ em: uống ngày 2 - 4 lần, mỗi lần 30ml dịch lá bỏng.

Nhức đầu, hồi hộp, huyết áp cao: ngày uống 2 lần mỗi lần 60ml dịch lá sống đời sẽ lợi tiểu, giảm nhịp tim, ngủ tốt hạ huyết áp, hết nhức đầu.

Đau lưng, mỏi gối: trong uống dịch, ngoài xoa đắp bã lá bỏng sẽ tiêu viêm, giảm đau.

Hôi nách: trong uống dịch ngoài xoa xát rửa bằng bã lá bỏng giã nhuyễn.

BS. PHÓ ĐỨC THUẦN



Bá tử nhân dưỡng tâm nhuận tràng

Bá tử nhân còn có tên hạt trắc bách, tên khoa học Semen Thuya orientalis, là nhân hạt phơi hay sấy khô của cây trắc bách: Thuya orientalis L. [Biota orientalis (L) Endl.], họ hoàng đàn (Cupressaceae). Bá tử nhân chứa nhiều lipid, saponosid. Theo Đông y, bá tử nhân vị ngọt, tính bình; vào tâm can tỳ. Có tác dụng dưỡng tâm an thần, nhuận tràng thông tiện. Dùng cho các trường hợp hồi hộp lo âu, đánh trống ngực, mất ngủ (tâm quý thất miên), đại tiện táo bón. Hằng ngày dùng 9 - 15g bằng cách sắc hoặc nấu, hầm, rang chiên, xào.

Dưỡng tâm, an thần:

Tinh thần hoảng hốt, mất ngủ, ngủ mê nhiều, hồi hộp, tim đập mạnh, trí nhớ suy giảm: bá tử nhân 20g, thục địa 20g, mạch môn đông 12g, câu kỷ tử 12g, đương quy 12g, phục thần 12g, huyền sâm 12g, cam thảo 4g, xương bồ 4g. Sắc uống.

Trường hợp máu không nuôi dưỡng tim, hồi hộp, ngủ ít: bá tử nhân 16g, toan táo nhân 16g, ngũ vị tử 8g, viễn chí 8g. Sắc uống.

Dưỡng tâm an thần: bá tử nhân 500g, đương quy 500g. Nghiền chung thành bột mịn, luyện với mật, làm hoàn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 12g.

Bổ âm, cầm mồ hôi, trị các chứng bệnh do âm hư, ra nhiều mồ hôi: bá tử nhân 16g, cù mạch 16g, ngũ vị tử 8g, bán hạ khúc 12g, mẫu lệ 12g, đảng sâm 12g, rễ ma hoàng 12g, bạch truật 12g. Nghiền thành bột mịn, trộn với cùi thịt quả đại táo, làm thành hoàn hoặc sắc uống.

Nhuận tràng, thông đại tiện, dùng cho người âm hư, người già và phụ nữ sau đẻ bị táo bón: bá tử nhân 12g, tùng tử nhân (nhân hạt quả thông) 12g, hỏa ma nhân 12g. Nghiền thành bột mịn, luyện với mật làm hoàn hoặc sắc uống.

 	Nhân hạt phơi khô của cây trắc bá cho vị thuốc bá tử nhân.

Nhân hạt phơi khô của cây trắc bá cho vị thuốc bá tử nhân.

Món ăn - bài thuốc có bá tử nhân

Tim lợn hầm bá tử nhân: tim lợn 1 quả, bá tử nhân 30g. Tim bóc màng rửa sạch, rạch mở cho bá tử nhân vào, khâu buộc lại, hầm cách thủy cho chín nhừ. Khi ăn thêm gia vị cho phù hợp. Dùng cho các bệnh nhân loạn nhịp tim, đánh trống ngực hồi hộp, lo âu, mất ngủ quên lẫn.

Cháo bá tử nhân: bá tử nhân 10 - 15g, gạo tẻ 100g, mật ong liều lượng thích hợp. Đem bá tử nhân giã giập, nấu với gạo thành cháo, cho mật ong khuấy đều và đun sôi lăn tăn là được. Dùng cho bệnh nhân loạn nhịp tim, đánh trống ngực, hồi hộp, lo âu, mất ngủ, quên lẫn, táo bón trường diễn.

Mật ướp bá tử nhân cúc hoa: bá tử nhân 30g, cúc hoa 30g. Sao khô tán mịn, để sẵn. Mỗi lần dùng 14 - 18g. Hòa với nước nóng, thêm mật ong vào khuấy đều. Tác dụng duy trì nhan sắc cho phụ nữ (bảo kiện mỹ dung).

Bá tử nhân hồ đào tán: bá tử nhân 500g, hồ đào nhục 500g. Tán mịn, trộn đều. Mỗi lần uống 9g với nước sôi (có thể thêm đường), uống sau bữa ăn. Dùng cho bệnh nhân thận hư, rụng tóc, làm mọc tóc, tóc dài mượt.

Kiêng kỵ: Người có đàm thấp, bị tiêu chảy không dùng.

BS. Tiểu Lan

Cây đa lông

Cây đa lông thuộc họ dâu tằm (Moraceae). Cây được trồng lấy bóng mát. Lá và búp non đa lông được sử dụng làm thuốc từ lâu đời. Dược liệu được thu hái về rửa sạch, chà xát nhẹ cho hết lông rồi phơi hoặc sấy khô. Khi dùng để sống hoặc sao vàng.

Theo kinh nghiệm dân gian, cây đa lông được dùng làm thuốc trong những trường hợp sau:

Chữa ho ra máu: lá hoặc búp đa lông 20g, sao cháy; mạch môn 20g, sao vàng; cỏ nhọ nồi 15g, để tươi. Tất cả thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày sau bữa ăn.

Chữa vàng da: lá đa lông 160g, rửa sạch, thái nhỏ, sao vàng, sắc với nước làm thang, nhân trần 160g, thần khúc 40g, phơi khô, sao giòn, tán nhỏ, rây thành bột mịn, uống với nước sắc trên. Người lớn, mỗi lần uống 1 thìa cà phê bột, ngày 3 - 5 lần. Trẻ em tùy tuổi dùng ít hơn. Có thể uống riêng nước sắc lá đa lông để phòng bệnh.

Chữa phù thũng: lá đa lông, rễ lá lốt, mã đề, rễ cà gai leo, rễ gai tầm song, rễ hoàng lực, mỗi thứ 10 - 30g thái nhỏ, phơi khô sắc uống làm 2 lần trong ngày.

Cây đa lông

Cây đa lông

Chữa đau đầu, viêm xoang mũi, chảy nước trong: búp lá đa lông, hoa cây tì bà, lượng bằng nhau, phơi khô tán bột mịn, ngày uống 2 lần, mỗi lần 8g với rượu nhạt.

Chữa sốt rét: lá đa lông 30g, lá cối xay 30g. Hai thứ thái nhỏ, sao vàng, sắc uống.

Ngoài ra, rễ đa lông đôi khi cũng được dùng phối hợp với lá mít mật, rễ cỏ tranh, mã đề, râu mèo (lượng bằng nhau) sắc uống để chữa sỏi thận. Hoặc tua rễ đa lông 20g, rau dừa, nước và tì giải, mỗi thứ 15g, sắc uống chữa tiểu tiện không thông, đái ra dưỡng chấp.

Huyền Hoa




Xuyên tâm liên giải độc

Theo Y học cổ truyền, xuyên tâm liên có vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết, tiêu thũng chỉ thống. Thường được dùng trị cảm sốt, cúm, trị ho, viêm họng, viêm phổi, sưng amidan, viêm đường tiết niệu, viêm âm đạo, khí hư, đau bụng kinh, viêm nhiễm đường ruột, tăng huyết áp, đau nhức cơ thể, tê thấp, mụn nhọt..

Cây công cộng còn có tên khác là khổ đởm thảo, nhất kiến hỷ, trong Đông y gọi là xuyên tâm liên. Là loại cây nhỏ sống 1 - 2 năm, mọc thẳng đứng, có thể cao đến 1m. Thân vuông, phân nhánh nhiều, các cành mọc theo 4 hướng. Lá mọc đối, có cuống ngắn, phiến lá hình trứng. Hoa nhỏ, màu trắng có điểm hường, mọc thành chùm ở nách lá hay ở ngọn cành. Quả nang dài. Hạt hình trụ, thuôn dài, màu nâu nhạt. Bộ phận dùng làm thuốc là phần trên mặt đất của cây thu hái vào đầu thu khi cây bắt đầu ra hoa, cắt thành từng đoạn, phơi hoặc sấy.

Xuyên tâm liên có tác dụng thanh nhiệt.

Bà con ở một số địa phương theo kinh nghiệm dân gian dùng cây này làm thuốc bổ cho phụ nữ sau khi sinh đẻ bị ứ huyết, đau nhức tê thấp, kinh nguyệt bế tắc. Dùng ngoài giã đắp mụn nhọt, ghẻ lở. Dùng ngoài không kể liều lượng giã đắp hoặc nấu nước rửa. Có thể chế thuốc mỡ để bôi.

Một số bài thuốc thường dùng

Chữa ho do lạnh: Xuyên tâm liên 12g, địa cốt bì 10g, tang bạch bì 10g, cam thảo 8g. Tất cả các vị cho vào ấm đổ 3 bát nước, sắc còn 1 bát, chia 2 lần uống trong ngày. Uống lúc còn ấm. Dùng liền 5 ngày.

Chữa cảm mạo, đau đầu: Xuyên tâm liên 45g tán thành bột mịn; ngày uống 3 lần, mỗi lần 2g bột thuốc, chiêu thuốc bằng nước ấm. Dùng liền 5 ngày. Sau đó ăn cháo nóng.

Hỗ trợ điều trị viêm amidan: Xuyên tâm liên, huyền sâm, mạch môn, kim ngân hoa mỗi vị 12g. Tất cả các vị cho vào ấm đổ 3 bát nước, sắc còn 1 bát, chia 2 lần uống trong ngày. Uống lúc còn ấm. Dùng liền 9 ngày.

Lở ngứa, rôm sảy, mụn nhọt: Lá xuyên tâm liên 1 nắm giã nát với rượu, dùng để xoa, đắp tại chỗ. Kết hợp cho uống thuốc sắc: Kim ngân hoa, sài đất, bèo cái, lá trắc bá, lá tre, mỗi thứ một nắm nhỏ, sắc đặc uống ngày một thang, chia 2 - 3 lần. Dùng đến khi khỏi.

Chữa tiểu tiện nhỏ giọt, nước tiểu vàng do nhiệt lâm: Lấy 15 lá xuyên tâm liên tươi, rửa sạch, để ráo giã nát, thêm chút mật ong, hãm nước sôi uống trong ngày. Dùng liền 5 ngày.

Hỗ trợ chữa viêm phế quản: Xuyên tâm liên, huyền sâm, mạch môn mỗi thứ 12g; vỏ quýt lâu năm, cam thảo mỗi thứ 4g. Sắc đặc uống ngày một thang, chia 2 - 3 lần uống trong ngày. Dùng 9 ngày.

Kiêng kỵ: Theo y học cổ truyền, xuyên tâm liên là vị thuốc lạnh, sử dụng dài ngày có thể gây buồn nôn, tiêu chảy; người tỳ vị hư hàn không nên dùng.

Bác sĩ Thu Vân

Hoa hướng dương làm thuốc

Người Việt Nam đón Tết Nguyên đán thường trang trí nhiều cây hoa đẹp, đem lại sắc màu rực rỡ cho từng gia đình. Ngắm hoa trong không khí xuân mới ta cũng nên biết thêm công dụng phòng chữa bệnh của chúng. Xin giới thiệu một số bài thuốc từ hoa hướng dương - loài hoa tượng trưng cho niềm tin và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp.

Bộ phận dùng làm thuốc: hoa, đài hoa, lá, tủy cành, rễ và hạt. Hoa hướng dương tính ôn, vị ngọt, vào hai kinh can, phế, có công năng khu phong, sáng mắt, thông thoáng, chữa đau đầu, huyễn vựng, mặt má sưng và đau răng...

Trị ho, đờm suyễn, nhuận phế nhất là chữa ho gà, thông yết hầu, đẹp nhan sắc: hoa hướng dương từ 1 - 2 đóa, thêm đường phèn sắc uống.

Trị đầu choáng mắt hoa, đau đầu khó chịu, mặt má sưng đau, ngực đầy, ngắn hơi…: hoa hướng dương 3 - 5g, sắc uống hoặc chưng thành thang rồi thêm 1 - 2 quả trứng gà nấu kỹ.

Chữa viêm khớp, phù thũng không rõ nguyên nhân, viêm tuyến vú: dùng hoa hướng dương lượng thích hợp sắc đặc thành dạng cao, đắp vào chỗ đau.

Chữa tăng huyết áp: hoa hướng dương 60g, râu ngô 30g, đường đỏ 10g. Hoa hướng dương và râu ngô cho cùng nước sắc lấy 200ml, cho đường vào quấy đều chia làm ba lần uống trong ngày, cần uống 3 đợt, mỗi đợt 10 ngày, giữa các đợt cần nghỉ 5 ngày.

Chữa sốt: hoa hướng dương 60g, hà thủ ô 50g, sắc uống ngày một thang, chia làm 3 lần, uống nóng trước khi lên cơn sốt 3 giờ. Uống liên tục trong nhiều ngày (khoảng 1 tuần đến 10 ngày).

Chữa mờ mắt: đài hoa hướng dương lượng đủ dùng, đập vào 1 quả trứng gà, đổ thêm nước nấu chín nhừ, ăn cái uống nước.

Chữa nhức răng: đài hoa hướng dương 1 cái, rễ câu kỷ 1 nhúm, luộc chung với 1 quả trứng gà, khi trứng chín bóc bỏ vỏ, dùng tăm đâm vào trứng cho ngấm thuốc rồi nấu tiếp 1 lúc thì vớt trứng ăn.

Chữa đau dạ dày: đài hoa hướng dương 1 cái, dạ dày heo 1 cái. Dạ dày heo rửa kỹ, nấu chung với đài hoa, khi dạ dày heo chín thì ăn được.

BS. Phó Đức Thuần

Chữa di tinh, tiêu hóa kém

Khiếm thực còn có tên quả súng, kê đầu mễ... Vị khiếm thực ở nước ta có nguồn gốc từ hai cây: kê đầu mễ (Euryale ferox Salisb., họ Súng Nymphaeaceae) và cây củ súng (Nymphaea stellata Wild., họ súng Nymphaeaceae). Khiếm thực có nhiều tinh bột, protein, cellulose, Ca, P, Fe, các sinh tố B, C, acid nicotinic và caroten.

Theo Đông y, khiếm thực vị ngọt, sáp, tính bình; vào tỳ, thận. Có tác dụng cố thận sáp tinh, bổ tỳ, trừ thấp tiêu trệ, chỉ tiết tả. Dùng cho các trường hợp tỳ hư tiết tả, di tinh hoạt tiết, huyết trắng, khí hư, di niệu. Liều dùng, cách dùng: 15 - 30g dưới dạng nấu luộc, ninh, sắc, tán bột.

Khiếm thực được dùng làm thuốc trong các trường hợp:

Ích thận, cố tinh: dùng bài Thủy lục đan: kim anh tử, khiếm thực, liều lượng bằng nhau. Nghiền thành bột mịn, làm thành hoàn. Mỗi lần uống 8g, chiêu với nước cơm. Trị chứng di tinh, bạch trọc (tinh tự ra, đái đục).

Kiện tỳ, cầm tiêu chảy: sơn dược 12g, bạch truật 8g, đảng sâm 12g, phục linh 12g, khiếm thực 12g, ý dĩ nhân 12g, trần bì 12g, trạch tả 8g, thần khúc 8g, cam thảo 4g. Sắc uống khi còn nóng. Trị trẻ em tỳ hư, tiêu hóa kém, tiêu chảy kéo dài.

chữa di tinh, tiêu hóa kémCủ súng

Thử thấp, chỉ đới: dùng một trong các bài:

Bài 1 - thuốc bột dị hoàng: khiếm thực 12g, bạch quả 12g, sơn dược 20g, hoàng bá 8g, xa tiền tử 12g. Các vị nghiền thành bột hoặc sắc uống. Trị chứng thấp nhiệt đới hạ.

Bài 2 - thuốc Hoàn phân thanh: bột khiếm thực, bột phục linh, liều lượng bằng nhau. Luyện với mật ong làm hoàn. Mỗi lần uống 12g, chiêu với nước muối nhạt. Trị bạch đới.

Bài 3: khiếm thực 63g, gan lợn 125-250g. Nấu chín ăn. Trị bệnh đái tháo đường.

Món ăn thuốc có khiếm thực:

Chè khiếm thực liên nhục: khiếm thực 30g, liên nhục 15g nấu chín nhừ thêm đường; mỗi ngày làm ăn 2 lần, đợt dùng 1 tháng. Dùng cho người di tinh, hoạt tinh, khí hư, huyết trắng, tiểu buốt, tiểu dắt (di niệu).

Canh khiếm thực đại táo: khiếm thực 30g (sao vàng), đại táo 15g, cho nước lượng thích hợp nấu chín nhừ, cho thêm chút giấm rượu khuấy đều. Uống trước khi ngủ. Dùng cho người cao tuổi tiểu đêm, di niệu.

Canh tôm thịt lợn trứng gà khiếm thực: khiếm thực 30g, trứng gà 2 cái, thịt lợn nạc 100g, tôm nõn 60g, cần tây, mộc nhĩ lượng tùy ý, thêm gia vị, nấu chín nhừ. Dùng cho người tỳ vị hư nhược, ăn kém chậm tiêu, lão suy trước tuổi.

Chè liên nhục khiếm thực hoài sơn: khiếm thực 250g, liên nhục 250g, sơn dược 250g, ngó sen 250g; mỗi thứ sao vàng tán bột trộn đều để sẵn. Mỗi lần dùng 30g khuấy đều với nước sôi thêm đường, ngày 3 lần ăn. Đợt liên tục 10 ngày. Dùng cho người tiêu chảy dài ngày do tỳ hư (trẻ em suy dinh dưỡng, người cao tuổi...).

Cháo khiếm thực: bột khiếm thực 60g, gạo tẻ 150g nấu cháo, thêm muối hoặc đường. Dùng cho người di tinh, huyết trắng, tiêu chảy mạn tính, tiểu buốt, tiểu dắt, di niệu.

Kiêng kỵ: người bị cảm cúm khởi phát, táo bón đầy trướng bụng không dùng.

TS. Nguyễn Đức Quang

Công dụng chữa bệnh của cây thạch vĩ dây

Theo y học cổ truyền, cây thạch vĩ dây có vị ngọt, tính lạnh. Quy vào hai kinh tiểu trường và bàng quang. Có tác dụng hông lâm, thanh nhiệt giải độc và lợi thấp. Chủ trị các chứng, thủy thũng, tiểu tiện khó khăn, mụn nhọt sang lở, vết thương do bỏng.

Cây thạch vĩ dây còn có tên là, dương vong,... Đông y gọi là “hải kim sa” vì lá lóng lánh như những hạt cát vàng (kim sa). Là loại cây leo, thân rễ bò, lá dài, có nhiều cặp lá chét, mỗi lá chét có nhiều lá chét con mang ổ tử nang ở mép. Bao tử hình 4 mặt trắng xám hơi vàng. Vòng đầy đủ nằm ngang gần đỉnh bảo tử nang.

Cây mọc hoang khắp nơi, thường thấy ở bụi rậm, bờ rào. Bộ phận được sử dụng làm thuốc là cả dây mang lá, dùng tươi hay phơi khô. Thu hái gần như quanh năm.

Thạch vĩ dây.

Một số bài thuốc theo kinh nghiệm

Chữa chứng tiểu tiện khó khăn, nước tiểu đỏ do nhiệt: Thạch vĩ dây 24g cho 400ml nước, đun sôi khoảng 15 phút, có thể thêm chút đường, uống thay trà trong ngày. Có thể thay thế bằng các vị thuốc sau: thạch vĩ dây 100g, mang tiêu 100g, hổ phách 40g, bằng sa 20g. Tất cả tán thành bột, uống ngày 5 - 8g, chia 3 lần, chiêu với nước ấm.

Sản phụ ít sữa: Thạch vĩ dây 12 - 24g, rửa sạch, đổ 400ml nước, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. Dùng liền 5 ngày.

Chữa bỏng lửa (bỏng nhẹ, vết thương hẹp): Thạch vĩ dây 25g, đốt tồn tính, nghiền thành bột mịn, trộn với ít dầu vừng, rửa sạch vết thương bôi vào chỗ bị bỏng.

Chữa ăn uống khó tiêu, bụng trướng đầy do thấp trệ (tỳ thấp trướng mãn): Thạch vĩ dây 20g, bạch truật 8g, cam thảo 2g. Đổ 500ml nước sắc còn 150ml, chia 2 lần uống trong ngày. Uống sau ăn 15 phút. Uống 5 - 10 ngày.

Hỗ trợ chữa sỏi niệu đạo: Thạch vĩ dây 30g, biển súc 15g, mã đề 30g. Tất cả cho vào ấm đổ 500ml nước, sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. Dùng liền 1 tuần. Nếu tiểu tiện khó đau rát: thạch vĩ dây 30g, hoạt thạch 30g, ngọn cành cam thảo 10g tán thành bột, mỗi lần uống 6g với nước sắc mạch môn, ngày 2 - 3 lần.

Lưu ý: Người tì vị hư hàn không dùng thạch vĩ dây.

Lương y Nguyễn Hữu

Viễn chí trị suy nhược thần kinh, viêm phế quản mạn

Viễn chí còn có tên dây ruột gà, tiểu thảo, nam viễn chí, là rễ hoặc vỏ rễ phơi khô của cây viễn chí lá nhỏ (Polygala tenuifolia Willd.) hoặc cây viễn chí Xêbêri (Polygala siribica L). Ở nước ta, có nhiều loài viễn chí đã dùng làm thuốc, nhưng chưa có tài liệu nghiên cứu sâu. Viễn chí có trên thị trường chủ yếu nhập từ Trung Quốc.

Viễn chí chứa nhiều saponin triterpen, nhựa, dầu béo và polygalitol. Vị đắng cay, tính ôn; vào kinh phế, tâm và thận, viễn chí có tác dụng dưỡng tâm, an thần, khứ đàm khai khiếu, tiêu ung thũng. Chữa chứng hồi hộp mất ngủ, tâm thận bất giao, đàm trở tâm khiếu, động kinh, hóa đàm khái thấu, ung nhọt sưng. Liều dùng: 4 - 12g. Sao hoặc tẩm mật ong nướng, sắc, hãm nước uống.

Một số bài thuốc trị bệnh có dây viễn chí:

Trị hồi hộp mất ngủ, ngủ hay mơ, suy nhược thần kinh, rối loạn trí nhớ.

Bài 1:đảng sâm 10g, viễn chí 10g, mạch đông 10g, phục linh 10g, đương quy 10g, bạch thược 10g, sinh khương 10g, đại táo 10g, cam thảo 3g, quế tâm 3g. Quế tâm tán bột để riêng. Các vị khác sắc lấy nước, hòa bột quế vào uống. Trị chứng tâm huyết bất túc (do máu không đủ nuôi tim), hay quên, hồi hộp, mất ngủ, nằm mộng nhiều.

Bài 2: nhân sâm hoặc đẳng sâm 30g, phục linh 30g, thạch xương bồ 20g, viễn chí 20g. Tất cả sấy khô, tán bột làm hoàn hồ. Chia cho 5 - 7 ngày, ngày 1 - 2 lần uống. Thích hợp cho người suy nhược thần kinh, quên lẫn, rối loạn trí nhớ.

Trị ho có đờm, viêm phế quản mạn:

Bài 1: viễn chí 8g, cát cánh 6g, cam thảo 6g. Sắc chia uống 3 lần trong ngày. Chữa ho có đờm.

Bài 2: viễn chí 12g, trần bì 4g, cam thảo 4g. Sắc uống. Chữa viêm phế quản mạn tính, ho có nhiều đờm.

Trị trẻ em sốt cao co giật: viễn chí 8g, sinh địa 8g, câu đằng 8g, thiên trúc hoàng 8g. Sắc uống.

Ngoài ra, viễn chí còn chữa mụn nhọt sưng do đờm tắc đọng hoặc sưng vú bằng cách sắc uống, bã đắp chỗ đau. Dây ruột gà còn dùng giải độc do phụ tử, ô đầu.

Món ăn thuốc có dây ruột gà:

Bài 1: viễn chí 10g, toan táo nhân sao 10g, gạo tẻ 50g. Sắc các vị thuốc lấy nước, bỏ bã, cho gạo vào nấu cháo, ăn vào buổi tối trước khi ngủ. Dùng tốt cho người tim đập mạnh, loạn nhịp, quên lẫn, giảm trí nhớ, mất ngủ, ho, nhiều đàm.

Bai 2. Dây ruột gà tán bột mịn, mỗi lần uống 10g, ngày 2 lần, uống với nước cơm hoặc cháo. Thích hợp cho người suy nhược thần kinh, quên lẫn, giảm trí nhớ, tim đập mạnh, loạn nhịp, mất ngủ.

Kiêng kỵ: Người bệnh không có chứng thực hỏa và người âm hư dương vượng không dùng.

TS. Nguyễn Đức Quang

La bặc tử tiêu thực, trị suyễn

La bặc tử là hạt già của cây cải củ (Raphanus sativus L. La bặc tử vị cay ngọt, tính bình, vào kinh tỳ, vị và phế. Có tác dụng tiêu thực, trừ trướng (giáng khí), trừ đờm. Chữa các chứng thực tích, khí trệ ở trung tiêu, đàm suyễn khái thấu (ho suyễn có đàm). Hằng ngày dùng 6 - 12g. La bặc tử được dùng làm thuốc chữa các chứng bệnh:

Cắt cơn hen suyễn:

Bài 1: hạt cải củ sao 12g, hạt tía tô 12g. Sắc uống. Chữa người già bị viêm phế quản mạn tính.

Hạt cải củ khô cho vị thuốc la bặc tử, trị ho suyễn, đầy trướng bụng.

Bài 2: Tam tử dưỡng thân thang: hạt cải củ sao 12g, hạt tía tô sao 12g, bạch giới tử sao 12g. Tán bột thô, cho vào túi vải, sắc với 400ml lấy 200ml, chia uống 3 lần trong ngày. Chữa viêm phế quản mạn tính, hen suyễn hơi đi ngược.

Bài 3: hạt cải củ sao 12g, hạnh nhân 12g, cam thảo sống 8g. Sắc uống. Chữa viêm phế quản mạn tính, ho nhiều đờm.

Bài 4: hạt củ cải sao, hạt bồ kết đốt tồn tính; liều lượng bằng nhau. Tán bột mịn, luyện với mật ong làm viên. Mỗi lần uống 4g, ngày uống 2 - 3 lần. Trị đờm suyễn, ngực căng thở gấp.

Chữa các chứng bệnh tiêu hóa kém, ăn uống bị đầy, hơi không lưu thông, tức ngực, trướng bụng:

Bài 1: hạt cải củ sao 12g, chỉ xác 8g, thần khúc sao 16g. Sắc uống. Chữa tiêu hóa kém, mồm hôi, bụng trướng, đại tiện khô.

Bài 2: hạt cải củ 12g, tỏi 1 củ. Hạt cải củ nghiền thành bột, tỏi củ giã nát thêm nước lọc lấy nước. Uống bột thuốc và nước tỏi, với nước đun sôi còn nóng. Chữa lỵ mót rặn đại tiện.

Có thể kết hợp hạt cải củ cải với tiểu hồi hương, đại hoàng để chữa bí đại tiện đơn thuần.

Ngoài ra, la bặc tử dùng trong bệnh sởi, ngạt khí than.

Hạt củ cải chiêu nước hồ: hạt củ cải tươi nghiền nát, mỗi lần uống 6g, uống cùng với nước hồ hoặc nước cơm. Ngày 3 lần. Dùng cho các trường hợp ban sởi mọc chậm không đều, hoặc sau khi ban sởi mọc có viêm khí phế quản ho nhiều đờm.

Nước cải củ tươi: củ cải hay cả cây cải tươi giã nát vắt lấy nước cho uống. Trị ngạt do khói than.

Kiêng kỵ: hạt cải củ có thể hao tổn khí (sức lực) nên người sức yếu (khí hư) không bị đầy tích, đờm trệ không uống.

TS. Nguyễn Đức Quang




Quế

Đông y xem quế là 1 trong 4 vị thuốc quý: sâm, nhung, quế, phụ. Quế có vị ngọt, cay và mùi thơm đặc trưng đồng thời là nguồn cung cấp các khoáng chất như kali, canxi, sắt, mangan, kẽm và magiê. Nó chứa một lượng cao vitamin A, niacin, axit pantothenic và pyridoxin. Quế còn chứa chất xơ và chất chống oxy hoá. Xin giới thiệu cách dùng quế làm thuuốc:

Giảm cholesterol xấu: Các nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ cần thêm nửa thìa bột quế có thể giúp hạ thấp cholesterol xấu, hỗ trợ sức khoẻ tim mạch.

Giảm viêm:1 thìa cà phê bột quế mỗi ngày có thể giúp giảm viêm khớp, giảm đau và sưng tấy.thuốc quý từ quế

Uống dung dịch có bột quế pha mật ong vào buổi sáng có thể giảm đau khớp.

Hỗ trợ tiêu hoá, làm ấm cơ thể:Vào mùa đông, khi thêm quế vào chế độ ăn uống giúp chống giá lạnh, giảm chứng khó tiêu, đầy hơi và buồn nôn.

Giảm đau khớp:Uống dung dịch có 1/2 thìa cà phê bột quế pha với 1 thìa cà phê mật ong vào buổi sáng có thể cắt cơn đau khớp.

Kìm hãm vi khuẩn phát triển: Các nhà khoa học Mỹ khẳng định, quế có tác dụng tiêu diệt khuẩn E.coli, chống vi khuẩn và nấm. Quế trộn vào thực phẩm sẽ kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn và tốc độ ôi thiu, tác dụng như chất bảo quản tự nhiên, không độc hại.

Trị mụn trứng cá: Dầu và vỏ quế là hợp chất cực mạnh tác dụng loại bỏ mụn nước, làm sáng da, ngăn ngừa mụn lan rộng.

Điều chỉnh nồng độ đường trong máu: Nghiên cứu cho thấy mỗi ngày uống 1,3g quế dạng viên nén (tương đương 1/4 thìa cà phê bột quế) giúp ổn định đường trong máu.

Hỗ trợ chống ung thư ruột kết: Theo kết quả nghiên cứu, quế có thể giảm thiểu sự lây lan của các tế bào ung thư.

Giúp cai thuốc lá:Bất cứ khi nào thèm thuốc lá, hãy lấy một mảnh quế chi và nhai trực tiếp hoặc uống trà quế để giảm cơn thèm thuốc.

Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai và những người có tính nhiệt không nên dùng quế. Khi dùng quế thì phải kiêng hành hoặc dùng hành thì kiêng quế.

Lưu ý: Trừ khi có chỉ định và giám sát của bác sĩ, những người đang dùng thuốc trị đái tháo đường hoặc biệt dược tác động lên nồng độ glucoza trong máu, nồng độ insulin không nên dùng quế.

BS. HOÀNG THUẦN