Hoa hướng dương làm thuốc

Người Việt Nam đón Tết Nguyên đán thường trang trí nhiều cây hoa đẹp, đem lại sắc màu rực rỡ cho từng gia đình. Ngắm hoa trong không khí xuân mới ta cũng nên biết thêm công dụng phòng chữa bệnh của chúng. Xin giới thiệu một số bài thuốc từ hoa hướng dương - loài hoa tượng trưng cho niềm tin và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp.

Bộ phận dùng làm thuốc: hoa, đài hoa, lá, tủy cành, rễ và hạt. Hoa hướng dương tính ôn, vị ngọt, vào hai kinh can, phế, có công năng khu phong, sáng mắt, thông thoáng, chữa đau đầu, huyễn vựng, mặt má sưng và đau răng...

Trị ho, đờm suyễn, nhuận phế nhất là chữa ho gà, thông yết hầu, đẹp nhan sắc: hoa hướng dương từ 1 - 2 đóa, thêm đường phèn sắc uống.

Trị đầu choáng mắt hoa, đau đầu khó chịu, mặt má sưng đau, ngực đầy, ngắn hơi…: hoa hướng dương 3 - 5g, sắc uống hoặc chưng thành thang rồi thêm 1 - 2 quả trứng gà nấu kỹ.

Chữa viêm khớp, phù thũng không rõ nguyên nhân, viêm tuyến vú: dùng hoa hướng dương lượng thích hợp sắc đặc thành dạng cao, đắp vào chỗ đau.

Chữa tăng huyết áp: hoa hướng dương 60g, râu ngô 30g, đường đỏ 10g. Hoa hướng dương và râu ngô cho cùng nước sắc lấy 200ml, cho đường vào quấy đều chia làm ba lần uống trong ngày, cần uống 3 đợt, mỗi đợt 10 ngày, giữa các đợt cần nghỉ 5 ngày.

Chữa sốt: hoa hướng dương 60g, hà thủ ô 50g, sắc uống ngày một thang, chia làm 3 lần, uống nóng trước khi lên cơn sốt 3 giờ. Uống liên tục trong nhiều ngày (khoảng 1 tuần đến 10 ngày).

Chữa mờ mắt: đài hoa hướng dương lượng đủ dùng, đập vào 1 quả trứng gà, đổ thêm nước nấu chín nhừ, ăn cái uống nước.

Chữa nhức răng: đài hoa hướng dương 1 cái, rễ câu kỷ 1 nhúm, luộc chung với 1 quả trứng gà, khi trứng chín bóc bỏ vỏ, dùng tăm đâm vào trứng cho ngấm thuốc rồi nấu tiếp 1 lúc thì vớt trứng ăn.

Chữa đau dạ dày: đài hoa hướng dương 1 cái, dạ dày heo 1 cái. Dạ dày heo rửa kỹ, nấu chung với đài hoa, khi dạ dày heo chín thì ăn được.

BS. Phó Đức Thuần